Nghẹt thở Vờ Nờ



Bây giờ nàng không còn cái hào hứng rủ rê hay khuyến khích bạn bè người quen du lịch Vờ Nờ, dẫu nơi đó có gió ngập nắng vàng biển xanh cát trắng cát cam tuyệt đẹp. Nàng ngại.

Chẳng phải ngày xưa nàng rủ rê bè bạn đi Vờ Nờ là vì nàng...yêu đất nước gốc gác của nàng, chỉ tại nàng yêu biển, vậy thôi!

Cho dù chàng của nàng đã bảy lần xách túi lang thang từ bắc chí nam cùng nàng, hiếm khi nghe chàng phàn nàn những điều chưa được của ngành du lịch Vờ Nờ, hay tình trạng rạch và móc túi du khách, kiểu bám đuôi lằng nhằng của trẻ nhỏ xấn xấn vào như thể đòi khách mua hàng của chúng cho bằng được,... dù có lúc chàng đã giễu cợt tình trạng mất trật tự, vô lối của người điều khiển xe trên đường. Một lần chàng đã nổi điên khi chàng đang đẩy nôi con trai Tám tháng tuổi trên vạch trắng dành cho người đi bộ khi đèn ra dấu màu xanh hẳn hoi ngay giao lộ Lê Thánh Tôn-Hai Bà Trưng Q.I, nhưng người ta vẫn tràn xe tới tấp trong giờ tan tầm một chiều gần tết năm 2007, khiến chàng của nàng hốt hoảng nhấc hẳn xe nôi lên vì e rằng không khéo người ta...sẵn sàng tông vào xe nôi con trai của chàng. Lần đó nàng cũng hãi hùng thót tim.

Dạo phố, ngắm nghiá ở cái đất SG đông đúc ken dầy dòng xe ngược xuôi lộn xộn chớ hề sơ sểnh, xe cộ nó...cán cho...phanh thây. Nàng dặn chàng.

Đó là loại...nghẹt thở đời thường cần quan tâm.

Nhưng có một loại nghẹt thở khó chịu khác!

Nếu như nhập cảnh Singapour, Thaïlande, Malaisie,... với tư cách làm việc thì cũng thật dễ dàng dễ chịu. Tới cửa khẩu chỉ cần xếp hàng chờ đến lượt để được...mời viên kẹo ngậm cho ngọt miệng, nụ cười tươi của nhân viên hải quan và mộc nhập cảnh được đóng vào hộ chiếu cái cộp, mất chỉ khoảng Ba phút.

Chỉ khi nhập cảnh Vờ Nờ mới dễ bực bội làm sao!

Nếu nhập cảnh với mục đích du lịch, không sao.

Nhập cảnh với mục đích làm việc, coi chừng!

Coi chừng người ta đòi hỏi nhiều thứ theo kiểu anh chị vào VN làm việc có..."liêm chính chí công vô tư"? Hự hự...
Anh chị phải trình bày rõ ràng mục đích dự án hay nơi chốn ở, sẽ đi qua viết bài làm phóng sự ở đâu, để công "ơn" tiện việc...chăm sóc. Trự trự...
Dù bất cứ nơi đâu thế nào anh chị cũng được...dõi theo đầy vẻ...rình rập. Huhu...
Có khi anh chị sẽ được ( bị ) gặp công ơn đầu tiên để các anh các chị đó cho anh chị bài học về (lệ nhiều hơn) luật "của đất nước chúng tôi cho dễ làm việc", là họ nói thế, đặc biệt với ai làm nghề phóng viên.

Không nghe hả? Coi chừng không khéo bị hô hoán là...thế giới thù địch bởi bao nhiêu tờ báo đài phát thanh truyền hình do "đởm lãnh đạm" chỉ thị, rằng thì là mà đối tượng A, B, C, D, E, F... là kẻ...tuyên truyền, âm mưu lật đổ chính quyền...nhân dân gì gì đó (?). Kiểu cư xử này cùng một khuôn đúc Bắc Hàn, Miến Điện, Cu Ba...

Cái nghẹt thở đầu tiên anh chị sẽ nhận ngay từ cửa khẩu nhập cảnh bằng cái nhìn cú vọ, với thao tác chậm rãi lật từng trang hộ chiếu...xem chơi, rồi nhìn tấm hình trong hộ chiếu với khuôn mặt thật đang đứng đối diện coi có phải là một, rồi từ từ phát ra những câu có khi bằng cái giọng chát chúa, the thé, cong cớn, uốn éo khó nghe "nhập cảnh làm gì?". Ối, ông bà cha mẹ ơi, khai rõ ràng trên tờ giấy vàng vàng rồi sao hỏi chi cho tốn thời gian. Khai rõ ràng khi xin chiếu khán nhập cảnh rồi còn gì. Hỏi gì hỏi lắm, trong khi bao nhiêu hành khách mệt mỏi sau một chuyến bay dài từ 13 tiếng rưỡi đến 23 tiếng chỉ mong họ thao tác nhanh nhẹn.

Lần đầu tiên năm 1996 nàng ra vào cái cửa khẩu sân bay TSN với tư cách phóng viên trong một đoàn phóng viên. Máy ordinateur của sân bay nhập cảnh đã lưu dấu từ đó. Vậy mà cái năm '01 nàng đi du lịch cùng chàng với mục đích xin nhập cảnh du lịch rõ ràng, đến lượt nàng hỏi "đi du lịch với chồng hả nhà báo", khiến nàng giật bắn cả người phản xạ hỏi lại ngay "sao anh biết tôi là phóng viên?". cười khinh khỉnh ra vẻ như cái gì chúng nó lại không nắm được.

Nhập cảnh vô nước Vờ Nờ nhiều khi khiến nàng cảm giác không thoải mái chút nào. Nhân viên hải quan sân bay chưa bao giờ cho cảm giác thoải mái dễ chịu. Vậy mà người ta đổ thừa do áp lực công việc. Nàng cóc tin! (Nhân viên hải quan sân bay VN quen thói hoạnh hoẹ làm khó -đặc biệt làm khó người Việt hải ngoại khi họ nhập cảnh. Tuy nàng không có con số thống kê số chuyến đến-đi tại các sân bay trong khu vực như Thaïlande, Singapour,... nhưng nàng biết chắc số lượng nhiều hơn nhiều so với VN, nhưng tại sao nhân viên hải quan của các nước đó không nhăn nhó, khó chịu? Nếu so sánh giữa nhân viên hải quan chỉ ngồi lưu sổ người nhập cảnh bằng computer và đóng mộc với nhân viên không lưu, thì chắc chắn nhân viên không lưu làm việc căng thẳng gấp vạn lần. Thế nhưng, theo nàng, so sánh như vậy là khập khiễng!).